Trong không khí Tết Nguyên Đán đang sắp tới gần, cùng với việc kì thi học kì 1 của các em học sinh mới vừa kết thúc không lâu, hẳn các em sẽ cảm thấy một chút “lười biếng” mỗi khi tới lớp trong thời gian này. Để giúp không khí cận Tết trong lớp học sôi nổi hơn, xin giới thiệu tới các thầy cô một số hoạt đồng Tết dành cho học sinh các cấp.
Làm thủ công lì xì Tết
Vào ngày Tết cổ truyền, lì xì là một trong những phong tục được trẻ em yêu thích. Trong dân gian, lì xì là một món quà tinh thần, đồng thời là biểu tượng của sự may mắn. Việc trao đi lì xì mang ý nghĩa gửi gắm mong ước của người gửi tới người nhận một năm mới may mắn, sung túc.
Với hoạt động ý nghĩa tự làm lì xì ngày Tết, thầy cô có thể dạy cho các em hiểu về phong tục cổ truyền của nước ta. Đồng thời, các em sẽ hiểu hơn về ý nghĩa sâu sắc của phong tục này, và tạo dựng một góc nhìn thiện cảm cho các em với phong bao lì xì không nằm ở ý nghĩa về vật chất.
Để hoạt động được diễn ra trơn tru, thầy cô hãy chuẩn bị trước một số dụng cụ như: bút nhũ, bút dạ sáng màu (trắng, vàng,…) và kim tuyến (nếu cần). Về phía các em, thầy cô nên dặn dò để các em chuẩn bị dụng cụ trước cho hoạt động: giấy thủ công màu đỏ, kéo, keo/hồ dán, sáp màu (nên sử dụng sáp màu dầu, hoặc màu nước).
(Thầy cô có thể tham khảo cách làm lì xì tại video này nhé)
Viết thiệp chúc mừng năm mới
Tết đến xuân về, người người nhà nhà trao nhau những lời chúc năm mới thịnh vượng, bình an. Đối với trẻ nhỏ, lời chúc của các em dành cho ông bà, cha mẹ là sự hạnh phúc của gia đình khi được nhìn thấy các em trọn đạo hiếu thuận, nhớ về nguồn cội. Vì vậy, hoạt động viết thiệp chúc mừng năm mới càng trở nên ý nghĩa hơn khi các thầy cô truyền tới các em tinh thần “Uống nước nhờ nguồn” của dân tộc ta từ những việc làm nhỏ nhất này.
Để chuẩn bị cho hoạt động, thầy cô hãy chuẩn bị trước một số dụng cụ như: bút nhũ, hình dán sticker và kim tuyến (nếu cần). Về phía các em, thầy cô nên dặn dò các em chuẩn bị dụng cụ trước cho hoạt động: giấy thủ công, kéo, keo/hồ dán, màu vẽ (có thể sử dụng màu sáp, màu dạ hoặc màu chì). Lưu ý, vì thiệp chúc mừng năm mới có phiên bản có phong bì thiệp, vậy nên thầy cô cần dặn dò các em mang đủ giấy thủ công để sử dụng tùy theo phiên bản thiệp thấy cô muốn tổ chức cho các em thầy cô nhé.
Vẽ tranh Tết
Vẽ tranh Tết hẵn là một hoạt động phổ biến dành cho các em học sinh tiểu học. Với hoạt động này, thầy cô có thể đơn giản sử dụng trong tiết Mỹ thuật hoặc Sinh hoạt để tổ chức. Thầy cô hãy ra một chủ đề đơn giản liên quan tới Tết, ví dụ như: Chợ Tết, Tết trong gia đình,… và cho các em thời gian để hoàn thành bức vẽ đó. Cuối cùng, thầy cô hãy khuyến khích các em mang bức tranh đó về và tặng cho ông bà hoặc bố mẹ của mình nhé!
Tìm hiểu về Tết qua các hoạt động tương tác Quiz
Với các học sinh lớn tuổi hơn, ở độ tuổi THPT, tuy rằng chúng ta không thể tổ chức các hoạt động trẻ thơ như 3 hoạt động trên, thầy cô vẫn có thể tạo ra không khí Tết bằng cách dạy 1 tiết học chủ đề xoay quanh Tết. Trong tiết học này, thầy cô hãy truyền đạt cho các em những kiến thức về ngày Tết, ví dụ như các sự tích, nguồn gốc và ý nghĩa của các phong tục cổ truyền trong Tết,… Sau đó, tại cuối buổi, thầy cô hãy tổ chức hoạt động đố vui có thưởng cho các em để tăng thêm phần hăng hái.
Thầy cô chỉ cần sử dụng tính năng Multiple Choice và bật cài đặt Competition mode để tổ chức hoạt động một cách hiệu quả. Với sự kết hợp của công nghệ, thầy cô có thể dễ dàng chọn ra 10 em học sinh có phần thể hiện xuất sắc nhất để khen thưởng rồi ạ. Dễ dàng và hiệu quả phải không thầy cô ơi?
Chia sẻ hoạt động trong dịp Tết cùng với học sinh
Hoạt động cuối cùng là hoạt động chia sẻ. Vì Tết là dịp để tất cả chúng ta cùng sum vầy, vậy nên thầy trò hay cô trò đều có thể trở nên gần gũi hơn thông qua việc chia sẻ các hoạt động mà mỗi chúng ta sẽ làm trong Tết. Thầy cô có thể gợi ra những hoạt động Tết mà thầy cô sẽ làm với các em học sinh, sau đó có thể hỏi ngược các em về các hoạt động mà các em sẽ làm trong Tết này. Tại buổi chia sẻ, chúng ta hãy coi các em học sinh như những người bạn và bàn luận về Tết theo một góc nhìn tình cảm và tích cực thầy cô nhé.